Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

EU-Israel: Đổi đất lấy hợp đồng

Lệnh cấm bao gồm những dự án tài trợ trực tiếp từ ngân sách dài hạn của EU giai đoạn 2014-2020. Theo đó, tất cả các thỏa thuận hợp tác giữa EU với Nhà nước Do Thái trên các lĩnh vực kinh tế, khoa học, văn hóa, thể thao, học thuật, ngoại trừ giao dịch thương mại, sẽ không được áp dụng đối với tổ chức, cơ quan Israel tại khu định cư Do Thái ở Cao nguyên Golan, Bờ Tây và Đông Jerusalem bắt đầu từ tháng 1-2014. Mặt khác, qui định mới còn có thêm yêu cầu Chính phủ Israel buộc phải thừa nhận bằng văn bản rằng: khu định cư Do Thái ở Bờ Tây và Đông Jerusalem không phải là một phần của nhà nước Israel nếu muốn đảm bảo thỏa thuận với EU trong tương lai.

Ngày 19-7-2013, trong thông cáo báo chí, Cao ủy phụ trách chính sách An ninh và Đối ngoại Liên hiệp châu Âu, bà Catherine Ashton cho biết, quy định một lần nữa khẳng định lập trường của EU rằng, các thỏa thuận song phương với Israel không bao gồm các vùng lãnh thổ nằm dưới sự kiểm soát của Israel từ tháng 6-1967. Cũng theo bà Ashton, văn kiện sẽ không có hiệu lực trước tháng 1-2014 và trong thời gian này bà yêu cầu Israel tổ chức các cuộc thảo luận về phạm vi lãnh thổ trong các thỏa thuận với EU.

Bản hướng dẫn mới tuy không gây sốc đối với các nhà lãnh đạo Israel, bởi trước đó EU đã luôn tránh không đầu tư vào các vùng lãnh thổ kể trên, nhưng nếu kết hợp quy định mới này của EU với kết quả của chuyến công du Trung Đông lần thứ 6 của ngoại trưởng Mỹ John Kerry (từ ngày 16 đến 19-7 ông Kerry đã có các buổi tọa đàm với tổng thống Palestin Mahmoud Abbas tại Jordanie) thì rõ ràng đã hình thành một áp lực không hề nhỏ lên Israel từ phía các nước phương Tây.

Quy định mới của EU buộc Israel phải có sự lựa chọn, có thể nói là khó khăn nhất kể từ khi hai bên có các quan hệ hợp tác: hoặc phải thay đổi chính sách đối với nhà nước Palestin hoặc phải chịu những tổn thất khó lường trong quan hệ với EU.

Chỉ tính riêng những thiệt hại về kinh tế cũng đã là rất lớn đối với Israel, bởi EU là đối tác hàng đầu của nước này. Tổng kim ngạch thương mại Israel – EU lên tới 29,4 tỷ euro (năm 2011), thị trường EU chiếm tới 34,5% nhập khẩu và 26,1% xuất khẩu của Israel (chỉ sau Mỹ). Ngoài ra, nếu quan hệ với EU xấu đi, nhiều khả năng Israel sẽ rơi vào tình trạng bị cô lập chính trị hết sức nguy kịch bởi nước này vốn luôn trong vòng vây thù địch của các nước Ả rập trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại.

Quyết định mới này của EU gợi nhớ lại hoàn cảnh ra đời của Hiệp ước Camp David. Cách đây 35 năm, ngày 17-9-1978, dưới vai trò trung gian của Tổng thống Mỹ lúc đó là Jimmy Carter, Thủ tướng Israel Menachem Begin đã ký với thủ tướng Ai Cập Muhammed Anwar al-Sadat một hiệp ước lịch sử, sau này hay được gọi là “Thỏa hiệp Camp David”. Thỏa hiệp này đã giúp Israel chọc thủng vòng vây của các nước Ả rập bằng công nhận ngoại giao từ phía Ai Cập, để có được điều này Israel phải trao trả lại cho Ai Cập bán đảo Sinai vốn chiếm được từ cuộc chiến tranh Trung Đông 1948-1949. Đây có thể coi là một trong những quyết định dũng cảm từ cả hai phía (vì thỏa hiệp này mà Sadat bị bắn chết năm 1981) để có thể phá vỡ tình trạng thù địch kéo dài giữa Israel - Ả rập từ sau khi nhà nước Do Thái ra đời năm 1948. Thỏa hiệp Camp David cũng khai sinh ra chính sách “Đổi đất lấy hòa bình” tại một trong những điểm nóng nhất và kéo dài nhất thế giới – Trung Đông.

Quy định mới của EU có thể coi là một bước đi có tính đột phá đối với tiến trình hòa bình Trung Đông. Đến thời điểm hiện tại, cả Israel lẫn Palestin và các lực lượng liên quan, dù muốn hay không, đều phải chấp nhận một sự thật không thể đảo ngược: tồn tại hai nhà nước Israel và Palestin. Bất chấp rất nhiều nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhưng xung đột tại mảnh đất đẫm máu này vẫn tiếp tục kéo dài bởi một trong những lý do muôn thuở: Đất đai. Những vùng đất như Bờ Tây, cao nguyên Golan hay Đông Jerusalem vốn phải thuộc về người Palestin theo quyết định phân trị của Liên hợp quốc nhưng vẫn đang bị Israel chiếm đóng. Tất nhiên, để đem lại hòa bình cho Trung Đông còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết, nhưng điều kiện tiên quyết chính là việc hai bên phải chấp nhận đường biên giới năm 1967, tức là Israel phải trả lại những vùng đất trên cho nhà nước Palestin. Liệu sức ép của EU thông qua quy định mới này đối với Israel có khả năng tạo ra một hướng giải quyết mới cho điểm nóng Trung Đông theo kiểu “Đổi đất lấy các hợp đồng” hay không, đương nhiên còn phải chờ đợi phản ứng của nhiều phía, bởi không phải tất cả đã chấp nhận.

Ngay sau thông cáo của EU, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lập tức triệu tập cuộc họp khẩn với các bộ trưởng để thảo luận về động thái của EU. "Israel sẽ không chấp nhận bất kỳ sự can thiệp bên ngoài nào liên quan đến biên giới. Vấn đề này chỉ được quyết định trong các cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai bên" - ông Netanyahu khẳng định. Kể cả nếu các nhà lãnh đạo Israel có nhìn thấy hậu quả trong trường hợp quan hệ với EU xấu đi thì việc thay đổi chính sách hiện tại cũng không hề dễ dàng khi mà mới đây Israel đã cấp phép xây dựng hơn 700 căn hộ định cư trên các vùng đất chiếm đóng kể trên.

Về phía Palestin, không ít lực lượng sẽ không chấp nhận đường biên giới 1967. Từ lâu, mâu thuẫn nội bộ Palestin, trước hết là giữa hai lực lượng chính là Fatar và Hamas, cũng là một trong những nguyên nhân đẩy tiến trình đối thoại Israel – Palestin vào bế tắc. Trước lời hứa của ngoại trưởng J. Kerry trong quá trình tọa đàm với Tổng thống M. Abbas “Israel sẽ tuyên bố chấp nhận các nguyên tắc hai nhà nước trên cơ sở đường biên giới 1967”, người phát ngôn phong trào Hamas, Sami Abu Zuhri cho biết: "Hamas không chấp nhận thông báo của ông Kerry về việc nối lại đàm phán giữa chính quyền Palestine và Israel. Việc chính quyền Palestine trở lại bàn đàm phán không được sự nhất trí của toàn thể người Palestine về vấn đề này".

Hơn nữa, liệu bước đi này có phải chỉ đơn thuần là EU mong muốn đóng góp giải quyết xung đột Israel – Palestin hay là một cuộc cạnh tranh mới với người Mỹ tại Trung Đông? Không phải vô cớ mà Bộ trưởng Tài chính Israel Yair Lapid cảnh báo lệnh cấm của EU có thể "phá hoại" những nỗ lực tìm kiếm đàm phán hòa bình ở Trung Đông của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

Tuy nhiên, nếu đặt tiến trình hòa bình Trung Đông trong bối cảnh phức tạp hiện nay của khu vực, từ cuộc nội chiến tại Syria đến cảnh hỗn loạn tại Ai Cập v.V., Rõ ràng quy định của EU vẫn có thể coi là một bước đi đột phá đầu tiên sau một thời gian dài ngưng trệ.

TS ĐỖ SƠN HẢI


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét