Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp quân đội

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ghi nhn từ những con số

Năm 2012, doanh thu của các DNQĐ đạt 215.000 tỷ đồng (tăng 11% so với năm 2011); lợi nhuận đạt 30.400 tỷ đồng (tăng 14,62%); nộp ngân sách đạt 17.500 tỷ đồng (tăng 12,4%); thu nhập bình quân đầu người/tháng đạt 5, 6 triệu đồng (số liệu này không tính thu nhập của Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel).

Năm 2012, quân đội có 93 DN đầu mối 100% vốn nhà nước. Trong số này, Viettel đã bứt phá, trở thành một trong những DN hàng đầu của ngành viễn thông Việt Nam, đồng thời là DN đứng đầu cả nước về thu nộp ngân sách. Bên cạnh đó, một số DNQĐ tiếp tục duy trì nhịp độ phát triển và đạt hiệu quả kinh tế khá cao như Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Tổng công ty Đông Bắc và Tổng công ty Trực thăng Việt Nam.

Tuy nhiên, quy mô và hiệu quả sản xuất kinh doanh giữa các DNQĐ có sự chênh lệch khá lớn. Nếu tính riêng kết quả kinh doanh của Viettel trên tổng số các DNQĐ thì doanh thu của Viettel chiếm 63%, các DN còn lại chiếm 37%; lợi nhuận trước thuế của Viettel chiếm 90%, các DN còn lại chiếm 10%; thu nộp ngân sách của Viettel chiếm 68%, các DN còn lại chiếm 32%.

Nếu cộng số liệu của 4 DN là Viettel, Tổng công ty Tân cảng, Tổng công ty Đông Bắc và Tổng công ty Trực thăng Việt Nam thì doanh thu của 4 DN này chiếm 73%, các DN còn lại chiếm 27%; lợi nhuận trước thuế chiếm 95%, các DN còn lại chiếm 5%. Nếu so sánh khối DN sản xuất, sửa chữa quốc phòng (40 DN) với khối DN kinh tế thì khối DN sản xuất, sửa chữa quốc phòng có quy mô khiêm tốn hơn.

Đối với DN Nhà nước sở hữu 100% vốn, số lượng DN có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh chiếm tỷ trọng khoảng 75% trên tổng số, tập trung vào nhóm DN sản xuất, sửa chữa vũ khí, khí tài, dệt may phục vụ quốc phòng và một số DN lớn, sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao. Số lượng DN có tình hình tài chính phức tạp, thiếu minh bạch, tiềm ẩn rủi ro cao, thậm chí có DN thua lỗ chiếm khoảng 25% trên tổng số, tập trung chủ yếu vào những DN xây lắp, kinh doanh bất động sản và một số DN trong lĩnh vực thương mại, xăng dầu.

Những DN này có nhiều tồn đọng về tài chính, nhất là tình trạng nợ phải thu khó đòi ở mức cao, thậm chí có khoản nợ không có khả năng thu hồi; nợ phải trả đến hạn nhưng khó có khả năng trả nợ. Đối với DN cổ phần, có khoảng 10/25 DN độc lập có tỷ lệ cổ tức đạt thấp, dưới 12%, trong đó có một số DN thua lỗ, chủ yếu rơi vào nhóm DN xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng hoặc lĩnh vực thương mại.

Tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước

Do đặc điểm riêng nên DNQĐ trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh phải thực hiện một số khoản chi phí đặc thù. Các khoản chi phí này được Nhà nước hỗ trợ hoặc cho phép hạch toán vào giá thành sản phẩm. Những năm qua, ngành Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan của Bộ Quốc phòng để sớm hoàn tất thủ tục và triển khai kịp thời, đầy đủ đến các DN trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh có đủ điều kiện được hỗ trợ gồm: Miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và thuế sử dụng đất đối với diện tích đất được sử dụng trong thời gian trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; hỗ trợ kinh phí cho việc duy trì bảo dưỡng, sửa chữa và hỗ trợ lương cho lao động trong biên chế thuộc các dây chuyền sản xuất sản phẩm trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh trong trường hợp tạm ngừng sản xuất; hỗ trợ kinh phí nhà trẻ, giáo dục tại địa bàn chưa có trường lớp theo hệ thống giáo dục công lập; hỗ trợ kinh phí cho công tác y tế...

Ngoài những khoản được hỗ trợ nêu trên, DN trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được hạch toán một số khoản chi phí đặc thù vào giá thành sản phẩm, dịch vụ trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh gồm: Chi phí tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng trong thời gian nghỉ chuẩn bị hưu (trong trường hợp không được ngân sách nhà nước hỗ trợ hoặc được hỗ trợ nhưng không đủ); chi đảm bảo quân trang cho sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng; chi cho công tác quốc phòng, an ninh, công tác phục vụ quốc phòng, an ninh và quan hệ quân dân theo quy định của Bộ Quốc phòng.

Những năm qua, ngành Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan của Bộ Quốc phòng để sớm hoàn tất thủ tục và triển khai kịp thời, đầy đủ đến các DN trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh có đủ điều kiện được hỗ trợ.

Chính phủ còn có chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn đối với DNQĐ đầu tư dự án tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia với mức hỗ trợ bằng chênh lệch giữa lãi suất vay vốn đầu tư của các tổ chức tín dụng và lãi suất vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước tại thời điểm xét hỗ trợ; hỗ trợ kinh phí để DNQĐ tổ chức Hội chợ, triển lãm, nghiên cứu thị trường trong và ngoài nước.

Trên cơ sở Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, Bộ Quốc phòng đã ban hành Kế hoạch số 1875/KH-BQP ngày 29/6/2012 để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho DNQĐ. Ngày 07/01/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu; Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 16/2013/TT-BTC ngày 08/02/2013 về việc gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế giá trị gia tăng (GTGT), giảm tiền thuê đất nhằm tạo điều kiện giảm bớt khó khăn cho các DN, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Như vậy, Chính phủ đã có những giải pháp rất thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN như: Gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN; gia hạn thời hạn nộp tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư của dự án có khó khăn về tài chính; miễn thuế môn bài đối với một số ngành nghề kinh doanh; từng bước hạ mặt bằng lãi suất cho vay; giảm 50% tiền thuê đất phải nộp năm 2012

Ngoài những giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, Bộ Quốc phòng chủ động đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DNQĐ như ứng vốn sản xuất cho DN có sản phẩm phục vụ quốc phòng; huy động tối đa các nguồn lực tài chính để cấp bổ sung vốn điều lệ cho DN và giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư, như các khoản phải nộp về Quỹ hỗ trợ và phát triển DN nhưng được Chính phủ cho để lại và từ nguồn tăng thu của ngân sách nhà nước; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư cho các chủ đầu tư đối với các dự án, chương trình trong phạm vi Bộ Quốc phòng quản lý, giảm tiền thuê đất...

Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Trong bối cảnh kinh tế trong nước chưa có nhiều chuyển biến tích cực, DNQP chắc chắn sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới. Để hỗ trợ các DN này, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Bộ nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DNQP như giãn thời hạn thu nộp ngân sách quốc phòng năm 2012; thực hiện thu khoản thu điều tiết về Bộ theo tiến độ mà DN thu được tiền từ chủ đầu tư (Bên A) đối với hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ; cấp vốn đầu tư mua sắm trang thiết bị rà phá bom mìn cho DN rà phá bom mìn từ nguồn thu điều tiết của hoạt động rà phá bom mìn (7% doanh thu); nghiên cứu sử dụng nguồn thu từ lợi nhuận của việc sử dụng đất quốc phòng vào mục đích kinh tế để cấp bổ sung vốn điều lệ cho DN; sử dụng ngân sách quốc phòng để hỗ trợ 50% tiền quân trang cho quân nhân tại DN; hỗ trợ 50% tiền lương nghỉ chờ hưu cho quân nhân, công nhân viên QP tại các DN không thuộc đối tượng được NSNN bảo đảm

Từ những giải pháp rất thiết thực của Chính phủ và Bộ Quốc phòng, DNQĐ cần nghiên cứu thật kỹ điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết của cơ quan liên quan để sớm được hưởng ưu đãi từ những cơ chế chính sách đó. Mặt khác, phải sử dụng các nguồn lực được hỗ trợ đúng mục đích, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 7 – 2013


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét