Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Nhà văn một thuở

Từ phải qua: Nhà văn Ngô Thảo, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, nhà thơ Thu Bồn.

Cũng trong khuôn viên khu đó còn có soạn giả Trần Hữu Trang và Nguyễn Ngọc Cung, đều hy sinh vì bị B52 ở hai thời điểm khác nhau của năm 1966, nhà văn Dương Tử Giang, nhà thơ Trần Quang Long hy sinh trong lao tù và nhạc sĩ tài hoa Hoàng Việt. Trước khi hy sinh, các văn nghệ sĩ này, bằng tác phẩm của mình đã tạc nên nhiều tượng đài các anh hùng dũng sĩ. Tác giả và nhân vật của mình ở chung một mặt trận, như câu thơ của Chế Lan Viên: Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy/ Bên những Dũng sĩ diệt xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi.

Suốt chín năm chống Pháp, các văn nghệ sĩ tiền chiến đi theo cách mạng, vẫn chưa tìm được sức sống mới cho ngòi bút. Phải đến mấy năm hòa bình sau 1954, lớp nhà văn này mới thực sự hồi sinh, với những tác phẩm làm nên một thời kỳ văn học khởi sắc và sôi động vào đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX. Nhưng bước vào giai đoạn chống Mỹ, tình hình đội ngũ văn nghệ đã đổi khác. Mười năm hòa bình đã kịp tạo điều kiện cho sự ra đời và hình thành một thế hệ văn nghệ sĩ mới. Xuất thân chủ yếu từ các đơn vị chiến đấu, các vùng chiến sự ác liệt, sau hòa bình, họ được tập họp, tổ chức và đào tạo bằng nhiều hình thức, cả trong và ngoài nước, để khai thác và sử dụng cái vốn sống và chiến đấu mà họ vừa nếm trải thành những tác phẩm văn nghệ nhiều thể loại. Có thể coi đây là thế hệ rừng nguyên sinh. Trong rừng nguyên sinh, không phải cây nào cũng quý, nhưng các chủng loại tạo nên sự giàu có của lớp bì thực vật gồm nhiều tầng, nhiều lớp, và đặc biệt luôn có những cây cổ thụ đặc trưng, không nơi nào có được. Khi bước vào kháng chiến chống Mỹ, công tác tổ chức khéo léo đã bố trí để họ kịp có mặt ở khắp các vùng chiến sự trong cả nước, và tác phẩm của thế hệ nhà văn này vừa là tiếng kèn xung trận vừa là vũ khí tấn công có sức công phá mạnh mẽ. Chỉ cần nhớ lại tên tuổi và tác phẩm của Thanh Hải (Mồ Anh hoa nở), Giang Nam (Quê hương), Thu Bồn (Trường ca chim Chơ rao), Nguyễn Trung Thành (Đường chúng ta đi, Rừng Xà nu), Trần Đình Vân (Sống như Anh)... Và những giai thoại chung quanh các tác phẩm đó đã tạo nên một tâm thế xã hội nao nức lên đường, nao nức ra trận để giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, chúng ta mới hiểu giá trị của những nhà văn có mặt ở mặt trận và giá trị xã hội của những tác phẩm kịp thời. Từ đó, tác phẩm của Anh Đức, Nguyễn Thi, Nguyễn Quang Sáng, Viễn Phương, Lý Văn Sâm, Nguyễn Thành Vân, Thanh Giang, Võ Trần Nhã, Lê Văn Thảo, Trang Thế Hy, Chim Trắng, Nguyễn Bá, Lê Chí,... Từ Nam Bộ; của Nguyễn Trung Thành, Thu Bồn, Phan Tứ, Nguyễn Chí Trung, Nam Hà, Liên Nam... Từ Trung Trung Bộ đã được cả nước đón nhận với rất nhiều yêu thương và quý trọng. Lần này, chính là các tác phẩm đã làm cho tên tuổi các nhà văn được xã hội tôn trọng. Một nhiệm vụ chính trị của hầu hết các nhà văn là viết truyện về các Anh hùng vừa được tuyên dương, các gương chiến đấu xuất sắc. Năm tháng đã làm cho nhiều tác phẩm phục vụ nhu cầu tuyên truyền kịp thời tàn nhan phai sắc. Nhưng một số không ít những tác phẩm đó còn lại như những tượng đài các nhân vật lịch sử: Hòn đất, Người mẹ cầm súng, Ước mơ của đất, Gia đình má Bảy, Sống như Anh, Những sự tích ở Đất thép...

Trên miền bắc, những nhà văn thế hệ chống Pháp cũng được kết thành đội ngũ, và lần lượt có mặt ở tuyến lửa Khu Bốn, Vĩ tuyến 17, Mặt trận bắc Quảng Trị. Nguyễn Khải (Họ sống và chiến đấu, Hòa Vang, Chiến sĩ...), Nguyễn Minh Châu (Cửa sông, Dấu chân người lính, Mảnh trăng cuối rừng...) Cùng nhiều tác phẩm của Hữu Mai (Còn bút danh Trần Mai Nam), Hồ Phương (Hồ Huế), Xuân Thiều (Nguyễn Thiều Nam), Xuân Sách (Lê Hoài Đăng), Mai Ngữ, Hải Hồ, Phạm Ngọc Cảnh (Vũ Ngàn Chi), Vũ Cao, Chính Hữu,... Khối nhà văn thuộc Văn nghệ Quân đội, hầu như đều được viết sau mỗi chuyến đi tham gia các chiến dịch.

Mười năm hòa bình (1954 - 1964), cũng kịp đào tạo được một thế hệ trẻ có học thức cơ bản, có lý tưởng và hoài bão rõ ràng. Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu Tổ quốc cần, sẵn sàng xông vào nơi khó khăn, gian khổ để rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để giải phóng miền nam, thống nhất đất nước với ý thức: Tuổi hai mươi, làm sao không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi, thì còn chi, Tổ quốc (Thanh Thảo). Có thể coi đây là thế hệ rừng trồng. Nhưng nhờ được chọn giống kỹ lưỡng, lại gieo vào một mảnh đất giàu dưỡng chất, nên dù thời tiết khí hậu chiến tranh không thuận lợi, nhưng một bộ phận vẫn phát triển được tài năng của mình. Đỗ Chu, Lưu Quang Vũ, Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến), Bùi Minh Quốc (Dương Hương Ly), Lê Lựu, Triệu Bôn, Chu Cẩm Phong (Trần Tiến), Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Duy, Ngô Văn Phú, Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Trung Trung Đỉnh, Thao Trường, Cao Tiến Lê, Tô Đức Chiêu, Tô Hoàng, Trần Huy Quang, Văn Lê, Trần Mạnh Hảo... Nếu số nhà văn thế hệ chống Pháp được tính bằng con số hàng chục, thì số tác giả thuộc thế hệ chống Mỹ là hàng trăm. Cả một thế hệ vào đời với ý thức góp sức mình hoàn thành nghĩa vụ chung là giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc. Và thực tế sôi động, hào hùng và bi tráng của cuộc chiến đấu đã tạo nên nguồn cảm hứng mạnh mẽ buộc họ cầm bút. Chính vì thế, ngay cả với những người được đào tạo bài bản về văn chương, thì khi sáng tác, họ vẫn có niềm tự tin, tự hào của người trong cuộc chiến đấu, của chúng ta làm, ca ngợi chúng ta (Chính Hữu), nên ít bị gò bó về tìm tòi hình thức thể hiện. Ở đây, chính vị trí của người cầm bút là người chiến sĩ trực tiếp cầm súng chiến đấu đã tạo nên tâm thế hào sảng cho văn học những năm chiến tranh. Lo nỗi lo chung của đất nước, sẵn sàng đem lồng ngực tuổi thanh xuân chắn những viên đạn kẻ thù bắn về phía Tổ quốc, phía nhân dân, là ngọn lửa ấm và sáng, tràn đầy lạc quan qua hầu hết các tác phẩm văn học thời chiến, đó là di chúc tinh thần mà thế hệ các nhà văn tham gia mấy cuộc chiến tranh, qua các tác phẩm của mình muốn truyền lại cho các thế hệ kế tiếp. Nếu ngày nay đọc lại, bạn đọc thấy cái phần chung giống nhau nhiều hơn những tìm tòi khám phá riêng cả về nội dung cũng như hình thức từng tác phẩm, thì cũng là điều dễ hiểu. Bởi vì, vào thời kỳ đó, do nhiều lý do có tính lịch sử, mà lý do quan trọng nhất là dù miền bắc có hòa bình nhưng đất nước còn bị chia cắt, một cuộc chiến tranh ở phía trước là không thể tránh, mọi giao lưu về tư tưởng, văn hóa được thực hiện trong một kênh rất hẹp, nên họ được hưởng chung một nền giáo dục nhà trường đồng loạt, ngoài ra không có những kênh thông tin nào khác. Điểm khác nhau và hơn thua nhau trong sáng tác phụ thuộc chủ yếu vào khí chất và cả khí phách lẫn tài năng của từng nhà văn. Nếu Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Quang Sáng, Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Trung Trung Đỉnh, Ma Văn Kháng... Ngày nay vẫn được nhắc tới với mật độ nhiều hơn như là những người có nhiều tìm tòi và đổi mới trong sáng tác thì chủ yếu ở những phương diện đó.

Muốn hay không, mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn, văn học và nhà văn, trong chừng mực nhất định cũng chỉ có thể xây dựng được một vài mẫu nhân vật tiêu biểu của đất nước mình ở vào thời gian lịch sử đó. Trở lại với Lê Anh Xuân, trong bài thơ có lẽ là cuối cùng Dáng đứng Việt Nam. Bài thơ được viết tháng 3-1968, sau Tổng tiến công Mậu Thân đợt 1. Từ một tin chiến sự, trong tổng tấn công, khi đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, có một chiến sĩ bị thương, vẫn gượng đứng tựa vào xác một chiếc trực thăng, tiếp tục nhả đạn về phía kẻ địch. Bài thơ kể lại với lời thơ giản dị hình ảnh đó.

Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ

Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường

Chỉ để lại cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ

Anh là chiến sĩ Giải phóng quân.

Điều đáng nói là 45 năm sau, đơn vị đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, từ bài thơ đã truy tìm lại tên tuổi người chiến sĩ đã là nguyên mẫu cho bài thơ. Đó là Liệt sĩ Nguyễn Văn Mẹo quê ở Thạch Thành, Thanh hóa, Trung đội trưởng trung đội 1, đại đội 1, tiểu đoàn 16, Phân khu 2. Đơn vị của anh vừa được Tuyên dương đơn vị Anh hùng. Cá nhân liệt sĩ cũng đang được đề nghị tuyên dương. Một tác phẩm bám sát cuộc chiến đấu, ngoài sức động viên tinh thần bao nhiêu chiến sĩ trên mặt trận, còn có những giá trị thực tiễn đầy nhân văn vượt ngoài mọi ý tưởng của người sáng tạo. Gần đây, ba nhà văn - liệt sĩ được Nhà nước tuyên dương Anh hùng: Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi, Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân, Trần Tiến - Chu Cẩm Phong, là một cách ghi nhận công lao to lớn của các nhà văn bằng tác phẩm và bằng cả sinh mệnh của mình đã dâng hiến cho Tổ quốc để nước nhà có sự thống nhất toàn vẹn hôm nay. Trong sổ ghi chép của mình về những năm tháng trước sau Đồng khởi ở Bến Tre, nhà văn Nguyễn Thi có viết: “Biết lấy gì đền đáp những hy sinh to lớn mà nhân dân đã chịu đựng để che chở, bảo vệ cách mạng những năm tháng này? Mai ngày đất nước thống nhất, cách tưởng niệm tốt nhất không phải là xây dựng những tượng đài to tát, mà trước hết là chăm lo đời sống cho những người dân đã hết lòng vì cách mạng”. Biết ơn nhân dân, nghĩ đến dân, mong sao người dân có cuộc sống tốt đẹp là tâm nguyện suốt đời của các nhà văn một thời cầm súng.

Nhưng đất nước đã sang trang. Vị trí của văn học và nhà văn trong cuộc sống đã đổi khác. Người viết văn hôm nay có nhiều tự do lựa chọn hơn trong một môi trường xã hội cởi mở, giao lưu văn hóa và thông tin nhiều chiều, điều kiện sáng tác và in ấn dễ dàng. Nhưng công chúng cũng có nhiều lựa chọn hơn trong các loại hình nghệ thuật. Những cánh rừng nguyên sinh cuối cùng đang được gấp rút đốn hạ bởi các dự án công nghiệp. Vai trò văn hóa trong xã hội cũng như với từng người có vẻ đang được khiêm tốn thu mình lại trước đòi hỏi gay gắt của cuộc mưu sinh và làm giàu bằng mọi giá. Đi theo đó là sự băng hoại chưa được kìm hãm của đạo đức xã hội, sự loạn chuẩn các giá trị nhân văn. Điều đáng suy nghĩ là hiện tượng đó diễn ra trong một đất nước vốn có truyền thống tôn trọng các giá trị của đời sống tinh thần, luôn tìm thấy hạnh phúc trong những tiện nghi vật chất vừa phải, để cho lòng được thảnh thơi. Di chúc tinh thần đó từ truyền thống văn hóa và văn học nước nhà đáng được các nhà văn trẻ hôm nay suy nghĩ để tìm chọn lối sống và sáng tác thích hợp cho mình.

7-7-2013

Nhà văn NGÔ THẢO


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét