Nay Ngô Thảo, một bạn văn thân thiết của Thu Bồn lại cất công tập hợp, có lấy một phần tư liệu từ cuốn Hoàng Minh Nhân làm, phần lớn anh tập hợp nhiều bài thơ và văn của Thu Bồn, làm thành cuốn sách nhân 10 năm ngày mất của Thu Bồn. Sách gồm ba phần: thơ, văn xuôi của Thu Bồn và những bài viết của bè bạn nhà văn. VỪA LỚN LAO DỮ DỘI, LÚC LÀ NƯỚC, KHI LÀ LỬA... Phần thơ gồm 36 bài thơ, khá nhiều chủ đề, không có trường ca dù trong đời Thu Bồn, ông đã viết hơn ba chục trường ca, đáng kể là trường ca Bài ca chim Chơrao làm nên tên tuổi Thu Bồn, trong thời gian trai trẻ của ông. Nhưng nhìn vào 36 thi phẩm này, người ta cũng đã thấy rõ một tâm hồn thi nhân, một con người ngang tàng ngạo nghễ và đắm say với đất nước và con người. Trong phần thơ, bạn đọc sẽ gặp những câu thơ tưởng rất nhẹ mà rất đằm sâu, một tâm hồn rất nhạy cảm và dễ tổn thương, song cũng ngạo nghễ tinh thần tráng sĩ như tên sách. Thơ Thu Bồn không tìm về hình thức, có những câu rất lặng lẽ, nếu có đứng ra đơn thương vẫn làm nên tiếng động vào trái tim thơ bè bạn: Tiếng lá rụng màu thu rất khẽ / như niềm đau năm tháng sẽ đi qua... Nhiều bài thơ như những vết khắc trên đá, dù vết khắc rất mềm mại như Linh hồn đá. Thơ Thu Bồn trong cuốn sách này dù viết về điều gì bao giờ cũng phảng phất bóng hình rất giản dị mà tha thiết của quê hương... Săm sắp cái tình và cũng ngạo nghễ có sắc thái riêng không lẫn vào ai. Sự hào sảng trước mọi tình thế gian khó của đời người, thời đó ở miền bắc mấy ai viết ngang tàng như ông: Câu Tiễn xưa kia đi nếm mật/ ta nay ăn đất một đời thừa/ Xưa kia tráng sĩ hề da ngựa/ta nay uống cạn mấy rừng mưa... (Hành phương Nam) Và quả thực, Hành phương Nam là bài thơ tỏ rạng nhất, sáng ra nhất cái khí chất Thu Bồn. Có lẽ mọi tráng sĩ làm thi sĩ đều lụy ái tình, cái tình em, tình đất và tình người. Và, có lẽ ở phần thơ, người đọc sẽ neo đậu rất lâu ở nhiều câu thơ rất dễ yêu, rất dễ thương của ông, một Thu Bồn là khẩu khí tráng sĩ, lúc là nước khi là lửa, vừa rắn vừa mềm, vừa lớn lao dữ dội lại lại gần gũi đáng yêu: ta như con dế nằm trên cả/đợi uống từng đêm giọt ngọt sương (Hành phương Nam)... GẮN KẾT VỚI CÁCH MẠNG VÀ DÂN TỘC Phần quan trọng nữa của sách nằm trong phần những bài văn xuôi của Thu Bồn. Qua đây, có thể nhìn rõ hành trình của nhà văn, từ trong vệt bay chinh chiến tới những vùng đất ngoài biên ải. Những ghi chép nhiều dạng trong phần văn xuôi này có nhiều đoạn tỏ rõ phẩm cách của nhà văn, những suy nghĩ về cách mạng, về đất nước, dân tộc và văn chương, được ông ghi nhận khá rõ ràng bộc trực. Nói về hình thức, đại bộ phận trong sách này văn xuôi ông nghiêng về thể ký và ghi chép, nó khá dung dị, không làm phách cầu kỳ chữ nghĩa mà ngồn ngộn hơi thở của đời sống và cảm xúc. Nó ghi nhận khá rõ dấu vết hoạt động của đời văn và đời thường Thu Bồn. Có thể tìm thấy rất nhiều chi tiết, cụ thể, sinh động, không kém phần ác liệt về đời sống nhà văn trong chiến tranh, khi ông viết những kỷ niệm trong chiến khu V. Những trang văn viết về chiến trường, kể về chiến tranh được ông mô tả rất chi tiết, cụ thể, chân thật. Nó làm người ta nhận ra hào khí một thời bằng những ví dụ rất chi tiết như cảnh đang ăn ốc mà đạn địch bắn trúng đồng đội tên Kim: “... Anh Kim bình thản coi như không, húp hết bát nước ốc rồi lấy hai bàn tay giữ cổ chân băng lại...”. Nay đọc lại những dòng như thế, trong những cảnh huống khốc liệt chiến tranh vẫn rõ ra cái hơi thở nóng bỏng của ngày ấy, tưởng nó chưa xa lắm, trong hào khí của một dân tộc, khi nhà văn dấn thân, đồng hành với thân phận của dân tộc, của đất nước. Những văn bản trong sách gắn với lịch sử của Thu Bồn, cũng là lịch sử chiến tranh hay văn học một thời bi tráng, vẫn rõ ra một Thu Bồn sòng phẳng về trách nhiệm nhà văn, quan hệ nhà văn với Đảng, thân phận nhà văn trong thân phận với đất nước (Phát biểu tại đại hội nhà văn IV). Văn xuôi ông là những trang viết tin cậy; sự tin cậy làm nên bởi chân thật hết lòng và sòng phẳng nói thẳng. Cả cuộc đời hoạt động của Thu Bồn có lẽ không chỉ tóm tắt ở hơn100 trang văn xuôi trong cuốn sách này, nhưng cũng qua những bài văn quan trọng mà Ngô Thảo thu gom, người ta có được khá nhiều tư liệu, để ngày nay đọc lại nó, bạn đọc có thể hiểu cả cái thời cam go chiến cuộc, để đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất non sông, một lứa các nhà văn vừa cầm bút vừa cầm súng như chiến sĩ đã sống hết lòng ra sao, viết ra sao và suy nghĩ ra sao. Nó chính là minh chứng hào hùng nhất để làm rõ tính chất chân thực của dòng văn học sinh ra trong cách mạng không chỉ là sự tuyên truyền sơ khai về chính trị mà nhiều con chữ của nhiều nhà văn đã cháy lên trong chiến tranh, trong nỗi đau của nhân dân, đất nước. MỘT CON NGƯỜI NGHĨA TÌNH GIÀU SẮC THÁI Nhiều nhà văn nhà thơ cách mạng Việt Nam viết cũng như sống, sang trọng và nhân ái tử tế thì Thu Bồn là một trong số đó. Những bài viết của bè bạn, những nhà văn, nhà thơ dành cho Thu Bồn không chỉ là sự giao đãi khi anh mất. Ở phần này có thể tìm thấy những đánh giá quan trọng về nghề văn của nhà văn Thu Bồn qua các nhà văn, nhà thơ danh tiếng, có chức phận và không có chức phận. Có những bài viết đánh giá toàn diện chân dung văn chương thơ và văn của Thu Bồn và có nhiều bài viết nhắc tới những kỷ niệm, cung cấp khá nhiều chi tiết sinh động trong đời văn và đời thường của một Thu Bồn tử tế nhân ái, đa sắc thái, bổ sung cho chân dung toàn diện của một nhà văn lớn. Tráng sĩ hề... Dâu bể là một cuốn sách quý đáng đọc. Nó không chỉ là thái độ trân trọng bạn bè của nhà văn Ngô Thảo đối với bạn văn Thu Bồn, mà nó còn đóng góp nhiều tư liệu đầy trách nhiệm với dòng văn học cách mạng Việt Nam, để hơn một lần nữa lịch sử văn học cách mạng nhận diện rõ hơn về cá nhân Thu Bồn, song cũng là sự nhắc nhớ, nhìn rõ hơn một thế hệ nhà văn gắn bó với cách mạng, khi họ đã sống, đã yêu và chiến đấu, hết lòng gắn bó họ với dân tộc, non sông, đất nước. *Nhà thơ Thu Bồn tên thật là Hà Đức Trọng. Sinh ngày 1 tháng 12 năm 1935 tại Quảng Nam, mất ngày 17 tháng 6 năm 2003. Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu. Giải thưởng văn học quốc tế Lotus của Hội Nhà văn Á Phi (1973). Giải thưởng báo Hà Nội Mới (1969). Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001. TOẢN LY |
Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013
Thu Bồn - Một cánh chim đại ngàn...
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét